Food and Beverage Marketing

CONCEPT ẨM THỰC – KHÔNG NÓI SAO KHÁCH HÀNG BIẾT?

Pinterest LinkedIn Tumblr

Quan điểm của mình về thương hiệu ẩm thực “Đừng để khách hàng đoán”. Nếu bạn làm một quán có “concept”, hãy “thể hiện” CONCEPT nhiều nhất có thể để khách hàng hiểu “đúng” giá trị bạn đang cung cấp cho họ.

Quyền đoán là của khách hàng, nhưng hãy hạn chế khách hàng đoán xa rời mong muốn định vị thương hiệu của bạn, hãy định hướng bằng các “tuyên bố” bằng hình ảnh, ngôn từ, phong cách thiết kế không gian, phong cách ẩm thực… Lưu ý một điều rằng, bạn càng hướng đến khách hàng đại chúng, thì việc làm “rõ ràng ý tứ” của thương hiệu ẩm thực rất quan trọng. Khách hàng sẽ không hiểu nhiều về thương hiệu của bạn như chính bạn đâu. Mà khi không biết gì, không hiểu gì, thiếu thông tin, thì khách hàng khó có quyết định mua hàng.

Khi làm về ẩm thực, hãy nhất quán về gía trị bạn cung cấp. “Nhất quán” là một trong những “hành vi” tốt để gây dấu ấn nhận diện lên người khác. Bạn càng “nhất quán” về phong cách, giữ “ổn định” giá trị cung cấp thì càng thu hút được nhiều người đang cần giá trị đó.

Giá trị “nhất quán” còn thể hiện ở việc bạn tạo ra một “concept ẩm thực” rõ ràng. Một “concept ẩm thực” đẹp, là cần làm đúng với cái mà mình tuyên bố và làm tốt nhất có thể. Tham khảo một số ví dụ sau:

Ví dụ 1: bạn tuyên bố, Quán ABC hướng đến dịch vụ tốt, giá hợp lý, phục vụ Tây – Tàu – Ta đặc biệt do chính đầu bếp kinh nghiệm đứng bếp. Tức là bạn không hướng đến một “phong cách ẩm thực cụ thể”, bạn hướng đến những người muốn ăn đồ ngon, giá hợp lý, có dịch vụ tốt, không quá cầu kì về phong cách ẩm thực. Lúc này bạn trình bày thức ăn, phục vụ, hay thiết kế quán là tuỳ ý, miễn sao khách tới quán bạn hưởng đúng giá trị bạn tuyên bô là được.

Ví dụ 2: bạn tuyên bố, Quán DEF mang phong cách Ẩm thực Việt kiểu mới (Fusion Vietnamese Food) với nguyên liệu đặc trưng vùng cao Việt Nam. À, đến đây thì bạn cần chú ý làm rõ tuyên bố của mình trong thiết kế không gian, cách thức phục vụ, cơ cấu món ăn, cách trình bày, dụng cụ phục vụ … Khách hàng đi tìm giá trị mà bạn đang cung cấp sẽ trả tiền cho bạn. Nhưng nếu bạn không thể hiện được điều bạn đã tuyên bố, thì xin chia buồn, bạn sẽ bị đánh giá tệ hơn từ chính các khách hàng “chuyên” hơn.

Ví dụ 3: bạn tuyên bố, Quán GHK phục vụ ẩm thực đường phố Thái Lan đậm chất. Thì lúc này, chính bạn lại phải định nghĩa “ẩm thực đường phố này” là như thế nào, và phục vụ giá trị cho đối tượng nào. Một “concept ẩm thực” đường phố Thái Lan đối với những người đã “biết”, “yêu thích” Thái Lan, sẽ khác với những người “biết” đến Thái Lan qua các hình thức khác.

Hãy tạo ra một “concept ẩm thực” mà khách hàng của bạn “hiểu được” và “chấp nhận” nó. Hãy dành thời gian làm rõ và làm giàu “concept ẩm thực” cung cấp cho khách hàng. Tất nhiên bạn toàn quyền làm “concept” chỉ có mình bạn hiểu. Nhưng về kinh doanh thì làm như vậy có “rủi ro cao”.

P/s: Khi nói đến phong cách ẩm thực của một quốc gia, góc nhìn của mình là mình nhìn từ “phong cách ẩm thực truyền thống của quốc gia đó và hướng đến sự cải cách mới mẻ hơn”. Tức là phát triển dựa trên nền tảng của “ẩm thực truyền thống”.

Ví dụ: Khi nói đến món ăn Phan Thiết, mình nghĩ đến bánh quai vạt, mì quảng, bánh canh cá, gỏi cá mai (sống), hải sản … Mình khó mà nghĩ đến phong cách ẩm thực của một resort ở Phan Thiết và gọi nó là phong cách món ăn Phan Thiết.

Chuyên gia tư vấn F&B Trần Trung Hiếu (Ricky Hiếu Trần) với nhiều năm kinh nghiệm trong tư vấn hiệu quả kinh doanh và đầu tư cho các quán cafe, nhà hàng.

Write A Comment